Giỏ hàng

Các vấn đề sức khỏe mùa nắng nóng

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm đến nay, thời tiết ở nước ta xảy ra nắng nóng kéo dài. Theo đó, thời điểm này, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột... Trong đó, tiềm ẩn những rủi ro sức khỏe nguy hiểm. 

Bộ Y tế cho biết, qua dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm đến nay, thời tiết ở nước ta xảy ra nắng nóng kéo dài. Theo đó, thời điểm này, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Các đối tượng có nguy cơ cao xảy ra các vấn đề về sức khoẻ mùa nắng nóng là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, những người làm việc hoặc luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức... Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường... cũng có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khoẻ do nắng nóng.

Dưới đây là những nguy hiểm tiềm tàng ảnh hưởng đến sức khỏe vào mùa nắng nóng mà bạn nên biết. 

1. Mất nước

Cơ thể rất dễ mất đi một lượng nước lớn dưới thời tiết nắng nóng oi bức kéo dài, đặc biệt khi lao động hoặc vận động ngoài trời. Mất nước dễ dẫn đến kiệt sức, chuột rút, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, các bệnh lý liên quan đến tim mạch như đột quỵ và trường hợp nặng có thể tử vong.

Nắng nóng kéo dài sẽ khiến thân nhiệt tăng cao đổ nhiều mồ hôi, gây nên tình trạng mất nước trong cơ thể

Để khắc phục tình trạng này, cơ thể cần nạp một lượng nước đủ. Cần chủ động bổ sung nước, đặc biệt là nước lọc, nước khoáng, nước chanh, nước bù điện giải…Tránh các loại nước có gas vì nó sẽ loại nước ra khỏi cơ thể bạn. Ngoài ra, khi di chuyển ngoài trời, cần mặc các loại trang phục có màu sáng và thoáng mát để tránh hấp thụ nhiệt, hạn chế di chuyển tụ tập các nơi đông người, tìm các nơi có bóng râm để trú nắng.

2. Say nắng, cảm nắng

Đây là hiện tượng khi mồ hôi tiết ra nhiều nhưng vì độ ẩm không khí cao dẫn đến việc mồ hôi không bay hơi được, cơ thể không được giải nhiệt tốt. Mất mồ hôi khiến cơ thể mất đi nước và khoáng chất, nếu không được bù đắp đủ sẽ dẫn đến tình trạng này. Trường hợp nếu không được xử lí kịp thời có thể dẫn đến sốc nhiệt, cơ thể choáng váng, chóng mặt, nặng hơn có thể nguy kịch và tử vong.

Để đối phó với tình trạng này, chúng ta cần giữ mát cơ thể, nạp đủ nước và chất dinh dưỡng, tránh di chuyển ngoài trời vào khoảng thời gian giữa trưa khi mà nhiệt độ lên cao đến đỉnh điểm.

3. Cháy nắng và tổn thương da do ánh nắng mặt trời

Nắng nóng khiến da bị cháy nắng, lão hóa nghiêm trọng, dễ có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Khi ánh nắng chiếu thẳng trực tiếp vào da, da sẽ có các phản ứng như đỏ ửng, đau rát, rộp da, nổi mụn nước, trở nên sạm và nám da…tùy theo mức độ khiến thời gian phục hồi lâu hơn.

Để bảo vệ làn da của mình dưới thời tiết nắng nóng, các bạn nên chủ động hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng bằng các trang phục, dụng cụ che nắng hợp lý. Sử dụng đúng cách các loại kem chống nắng đã được kiểm định chất lượng. Đồng thời, các bạn cũng nên sử dụng kính râm để tránh tia UV gây hại cho mắt.

4. Kiệt sức

Khi tình trạng mất muối và mất nước kéo dài sẽ dẫn đến kiệt sức. Khi đó, bệnh nhân không chỉ ngất xỉu mà còn kèm theo các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn… Nếu được sơ cứu kịp thời, ngưng các hoạt động hiện tại, di chuyển vào môi trường thoáng mát thì cơ thể phục hồi hoàn toàn. Vẫn tiếp tục hoạt động hay không thể di chuyển đến môi trường khác, cơ thể có hiện tượng sốc nhiệt. 

Sơ cứu người bị kiệt sức do nhiệt cũng giống như khi ngất xỉu nhưng cần phải theo dõi kỹ hơn. Có thể dùng khăn lạnh chườm vào những vùng có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn… để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn. Uống càng nhiều nước càng tốt. Trong vòng từ 30 phút đến một giờ, nếu triệu chứng không được cải thiện, bệnh nhân vẫn đau đầu, nôn ói, chóng mặt nhiều hơn thì nên đến bệnh viện.

5. Sốc nhiệt và đột quỵ

Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Học cách nhận biết và sơ cứu người bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng là điều rất cần thiết

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp,… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 – 40 độ C), hôn mê…

Khi có triệu chứng trên, cần sơ cứu tạm thời cho bệnh nhân bằng cách đặt họ nằm đầu thấp. Di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người trong nước mát vài phút. Dùng gạc hoặc khăn thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vị trí có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn… để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn. Đồng thời gọi cấp cứu 115 để chuyển nạn nhân đến bệnh viện ngay.

Nhà thuốc Thái Minh tổng hợp

 

 

Danh mục tin tức

Từ khóa

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Linkedin Top